Nguyệt San Số 11


Tôi yêu tiếng nước tôi

Tác giả: Thanh Chung
Thể loại: Quê Hương   

 “…Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời, mẹ hiền ru…” - Một bài hát đã cũ theo không gian và thời gian, mà chắc hoạ hoằn lắm mới còn được nghe bây giờ. Những người đã sinh ra và lớn lên nơi quê nhà, có lẽ không quên bài hát đó và có thể không khỏi bùi ngùi, nhất là được nghe ở một nơi nào đó, mà tiếng Việt đã không còn là một âm thanh quen thuộc như ngày nào…
Thật vậy, đối với những người đã xa và còn gắn bó với quê hương, trao đổi tiếng Việt với người thân và bè bạn vẫn thấy dễ dàng gần gũi nhau hơn nơi quê người. Dù rằng, dùng ngôn ngữ bản xứ vẫn là cần thiết trong các sinh hoạt ở địa phương hay môi trường làm việc.
     Tuy nhiên, một số gia đình hiện nay đã có nỗi âu lo mới, đó là việc các em nhỏ hiện nay đang sử dụng lưu loát ngôn ngữ bản xứ, không những tại trường lớp, ngoài xã hội, mà còn ngay trong gia đình với những người thân quen. Sớm nhận ra điều này sẽ ảnh hưởng đến việc bảo tồn tiếng Việt, đa số phụ huynh hiện nay đã cố gắng dạy và trao đổi với các em tiếng mẹ đẻ trong nhà. Ngoài ra, nếu có chút thì giờ vốn đã eo hẹp, một số phụ huynh còn cố gắng đưa con em đến học tại các lớp Việt ngữ, để học nói và viết chữ Việt. Nói chung, mọi người đều nhận ra một việc phải làm là dạy bảo, nhắc nhở và khuyến khích con em mình biết về nguồn gốc của chúng. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho các em, cháu tham gia vào sinh hoạt cộng đồng, làm quen với bạn bè đồng hương, cũng như giúp chúng tìm hiểu về phong tục tập quán Việt sẽ khiến các em cháu chúng ta tự hào về nòi giống của chúng.
     Ngược dòng thời gian, vào những năm tháng đầu định cư. Vì sinh kế, mọi người phải chật vật bon chen trong cuộc sống mới và cùng lúc phải lo trau giồi, học tập ngôn ngữ bản xứ để hội nhập vào xã hội mới. Vì lẽ đó, việc dạy tiếng Việt cho con em đã không được quan tâm lắm, nếu có, thì số lượng thời gian dành cho chúng cũng chưa đủ, do phần lớn đã trông cậy vào việc giảng dạy tại trường, lớp nơi cư ngụ. Ngoài ra, một số chúng ta còn có quan điểm là không nên cho trẻ học song ngữ cùng lúc, điều đó có thể chi phối sự thu nhập kiến thức và việc dồn dập sẽ khiến trẻ em chán nản hoặc xét ra không hiệu quả. Cuối cùng, sự chọn lựa học tập duy nhất ngôn ngữ địa phương đã đưa đến kết quả là… con em chúng ta không biết chữ Việt, thậm chí có em không nói được tiếng Việt dù chỉ là xưng hô đơn giản với người thân.
     Ngày nay, có người đã thành công và bằng lòng với những gì mình hiện có, cũng có người vẫn còn lao đao, nặng nợ áo cơm, nhưng phần đông đã chấp nhận quê hương thứ hai nơi mình cư ngụ. Đối với các em cháu thuộc thế hệ thứ hai (hoặc sinh ra) lớn lên nơi đây, đôi khi các bậc phụ huynh chúng ta tự hỏi: Liệu mai sau chúng có muốn hay có cơ hội trở về sinh sống nơi quê cha đất mẹ không? Câu trả lời có thể là không, kinh nghiệm từ những cộng đồng khác, đã định cư trên đất nước này qua nhiều thế hệ đã khiến chúng ta nghĩ như vậy. Vậy thì, một số câu hỏi được đặt ra là tại sao phải học tiếng Việt, chỉ để đàm thoại với cha mẹ hoặc người thân thôi sao? Lần lượt rồi họ cũng qua đời, không lẽ chỉ để giao dịch với cộng đồng, mà rồi có chắc là tiếng Việt và văn hóa Việt sẽ còn tồn tại lâu dài? hay tất cả rồi cũng sẽ bị đồng hóa với nền văn hóa bản xứ? việc đó có gì không đúng khi mà đất nước mới này rồi sẽ gắn liền với cuộc đời con cháu chúng ta sau này! Hãy để các bậc cha mẹ bây giờ, tìm những câu trả lời thích đáng cho những viễn ảnh trên đây của người Việt ở hải ngoại về thế hệ mai sau.
     Gần đây, qua một số tin tức và tìm hiểu về sinh hoạt văn hóa Việt tại hải ngoại, nhiều nhà xuất bản và tác giả đã nhìn nhận sự giảm sút trong việc phát hành, phổ biến các sách, báo Việt ngữ hoặc những tác phẩm nghệ thuật văn hóa khác. Một số nhà sách hoặc báo chí Việt ngữ đã phải đóng cửa do sự tiêu thụ giảm dần và thiếu sự ủng hộ của người Việt chúng ta hiện nay so với thập niên trước đây.
     Một số người hiện nay cho rằng việc xem sách, báo, CD và những ấn phẩm văn hóa Việt chỉ là phụ và là một loại xa xỉ, không có trong ngân khoảng chi tiêu. Bên cạnh đó, cũng có một số người dùng phương tiện điện toán để đọc sách hoặc theo dõi tin tức trên mạng thông tin. Tuy nhiên, một trong lối giải thích khác đáng được quan tâm là hiện tượng “lá vàng ngày càng rụng nhiều mà lá xanh thì chưa chịu đâm chồi, nẫy lộc hoặc còn thưa thớt”.
     Thật vậy, đối với thế hệ đi trước, những người còn gắn bó với văn hóa Việt, thường đọc sách báo Việt, nay mắt đã nhòa, tinh thần sa sút do bệnh tật, già yếu và rồi họ cũng lần lượt ra đi theo luật tự nhiên của tạo hóa. Với thế hệ trẻ, do sự mệt mỏi trong đời sống vì phải phụ thuộc vào chu kỳ chuyển động của kim đồng hồ, nên việc sinh hoạt văn hóa địa phương dần dần đã lấn át văn hóa cội nguồn. Ngoài ra, do trở ngại về ngôn ngữ nên các bạn trẻ không tha thiết lắm về việc tìm đọc sách báo Việt ngữ. Nếu hiện tượng này còn tiếp tục và kéo dài đến các thế hệ mai sau, e rằng việc bảo tồn tiếng Việt ở hải ngoại sẽ không được thuận lợi.
      Một số không ít chúng ta vẫn còn thờ ơ hay mặc nhiên phủ nhận gíá trị chữ Việt. Nhận thấy con, cháu mình biết một vài câu tiếng Việt pha lẫn với ngôn ngữ địa phương trong lúc chuyện trò là hài lòng lắm rồi! Một số khác còn cho rằng chữ Việt rất đa dạng và khó học khiến thế hệ trẻ nản lòng và không thèm học. Theo dõi các chương trình ca nhạc Việt tại hải ngoại hiện nay, chúng ta thấy các nghệ sĩ Việt trẻ có cố gắng dùng tiếng Việt xen lẫn Anh ngữ trong lúc đàm thoại, điểm này đáng được khuyến khích, nhưng chúng ta vẫn mong mỏi họ thông thạo tiếng Việt hơn, vì những tác phẩm âm nhạc ở hải ngoại góp phần đáng kể vào việc duy trì văn hóa.
      Nước Việt được biết đến với chiến tranh kéo dài và những hệ lụy của nó, điều ấy đã mang lại cho dân tộc Việt nam một bề dày lịch sử đau thương. Tuy nhiên, mọi người vẫn tự hào về văn hóa Việt, cụ thể hơn là tiếng Việt, một ngôn ngữ đầy ắp tình tự dân tộc, gần gũi và mang lại niềm yêu thương giữa những người thân trong gia đình, họ hàng, láng giềng hay nói chung là với đồng bào ta qua bao nỗi trầm luân của đất nước. Yêu làm sao tiếng thưa gọi: ”Thưa ba, má con đi học về”; “Kính thưa thầy…”; “Thưa dì, thưa dượng” hoặc “Mình ơi!”... Sự phong phú của ngôn ngữ Việt còn đuợc tìm thấy bàng bạc qua văn chương bình dân, ca dao, tục ngữ, những câu vè, đối v.v... mà ít có ngôn ngữ khác nào so sánh được.
      Rời xa quê hương, mọi chúng ta khó ai quên mảnh đất nghèo khổ, thân thương đó. Có người dù đã xa trên hai mươi năm, nay vẫn còn niềm xúc động nguyên vẹn, trăn trở trong những đêm khó ngủ và thỉnh thoảng cảm thấy bức rức về sự thờ ơ của mình từ bao nhiêu năm qua đối với đất nước đã cưu mang mình. Chúng ta mãi mãi là người Việt nam dù sống xa xứ, dù các thế hệ tiếp nối, có thể sẽ không còn một ràng buộc nào đến với một nơi chốn xa lắc xa lơ đó...
      Là các bậc phụ huynh của các em cháu, chúng ta hãy cố gắng làm được những gì còn có thể làm được ngay bây giờ trước khi quá trễ, là làm thế nào để duy trì văn hóa Việt tại hải ngoại, để niềm vui của mỗi gia đình là nhìn thấy các con cháu tự hào là người Việt, nói được tiếng Việt hầu thể hiện câu “Tiếng Việt còn, người Việt còn”.
      Dạy trẻ nói và viết tiếng Việt còn là một sự ghi ơn đối với đất nước, đối với ông bà, cha mẹ đã cho chúng ta cơ hội đến trường ngày trước. Sự hiểu biết kể cả những kiến thức chuyên môn mà chúng ta có được ngày nay, đều xuất phát và được chuyên chở bằng ngôn ngữ yêu thương đó. Nay đã trưởng thành và là đầu tàu, là kim chỉ nam cho một thế hệ mới, lẽ nào chúng ta lại ơ thờ, để nhìn thấy con cháu chúng ta không biết tiếng Việt, chữ Việt! Ngoài ra nếu không thực hiện được điều có ý nghĩa đó, thì việc góp phần xây dựng quê hương, duy trì phong tục tập quán, kêu gọi cộng đồng đoàn kết quả không thực tế chút nào. Tiếng Việt có còn ở lại trong lòng các thế hệ mai sau ở hải ngoại hay không là do ý thức, trách nhiệm của mỗi người con của đất nước.
      Chúng ta không muốn chỉ noi gương các cộng đồng lớn khác lập nghiệp tại bản xứ đã lâu như Do Thái, Trung Hoa, Mễ v.v… trong việc bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa của họ. Chúng ta tin tưởng vào kiến thức và lòng yêu thương Tổ quốc của mỗi người con Việt sẽ làm cộng đồng chúng ta ngày càng lớn mạnh hơn. Không gì hãnh diện hơn là được thấy Việt ngữ được công nhận bởi nền giáo dục bản xứ, và rồi nhiều lớp dạy Việt ngữ sẽ được mở thêm khắp nơi, để được nghe lũ trẻ tập đánh vần, ca hát mỗi đêm và tiếng Việt còn được gọi nhau ơi ới trong nhà, ngoài phố…
      Tiếng Việt còn là ngôn ngữ thân yêu, cần thiết mang lại sự gần gủi và cảm thông cho nhiều thế hệ trong cùng một mái ấm. Các bạn trẻ trau đổi tiếng Việt với nhau còn đem lại sự đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau trong xã hội đa văn hóa này.
      Thật vậy, có những bậc ông bà đã lắc đầu thở dài khi phải uốn lưỡi dùng ngôn ngữ địa phương để chuyện trò với các cháu. Có những bậc cha mẹ đã không giấu được nỗi nghẹn ngào khi nhìn thấy đàn con vừa lớn, vừa nhỏ của mình, trao đổi với nhau bằng thứ ngôn ngữ địa phương trong lúc trò chuyện, vui đùa. Cũng có những người đã biểu lộ nụ cười vui sướng khi nghe con trẻ bập bẹ tiếng “ba ơi, má ơi” từ buổi đầu trẻ tập nói.
      Tuy nhiên, việc học tập ngôn ngữ Việt còn phải đối đầu với những khó khăn khác, ngoài vấn đề thời gian eo hẹp như đã nói, phương pháp giảng dạy cũng phải được nghiên cứu, mà hiện nay vẫn còn là đề tài thảo luận và nhiều câu hỏi quan trọng khác, chẳng hạn như, ở tuổi nào các em nên bắt đầu học? Việc học song ngữ (tiếng địa phương và tiếng mẹ đẻ) cùng lúc có trở ngại gì trong việc phát triển trí tuệ và bản năng thu thập kiến thức của các em không? v.v…
      Theo một số nhà nghiên cứu về tâm lý trẻ em trong việc học song ngữ, giáo sư Christine Bonnaud đã đưa ra nhận xét sau đây: nếu con bạn có năng khiếu học sinh ngữ, đến 18 tháng là đã trễ (?), Việc các em nhỏ học thêm ngôn ngữ khác trong những tháng đầu tiên của cuộc đời không có gì trở ngại, vì một em sơ sinh, vẫn có khả năng nhận xét những sắc thái của mọi ngôn ngữ. Nếu chúng ta không lợi dụng khả năng đó, nó giảm đi từ từ nhất là trong năm đầu tiên… Cũng theo ý đó, giáo sư Alain Bentolila còn cho rằng: Khi nào mà các em đã đạt được khả năng trừu tượng hóa (có thể dễ dàng nói đến một vật không có trước mắt) là lúc các em có thể thích nghi với một ngôn ngữ khác. Ngoài ra, cả hai vị có cùng một nhận xét là việc làm quen với một sinh ngữ mới, chỉ có thể thực hiện với sự tham gia tích cực của cha mẹ và nên bắt đầu bằng những bài ca vè, bài hát ru, kể chuyện. v.v…

     
Tựu trung, tùy theo năng khiếu học sinh ngữ của từng em cộng với sự tích cực hổ trợ của người thân là hai yếu tố chính. Phải tạo niềm tin và kích thích sự ham học ở các em là điều quan trọng. Đối với các em quá nhỏ, nên phối hợp giữa học và chơi để tránh sự nhàm chán. Phụ huynh trong lúc chỉ dẫn các em, phải quan sát để tìm thấy năng khiếu, ưu và khuyết điểm của các em để thích ứng. Trong bất cứ tình huống nào, không nên ép buộc, mà hãy tạo sự thoải mái, tự nguyện để các em thu thập, điều nầy không những áp dụng cho việc học ngôn ngữ mới mà còn đối với các môn học khác.
     Hiện nay, ở những nơi có nhiều người Việt cư ngụ, cộng đồng hoặc các hội đoàn có tổ chức các lớp dạy Việt ngữ dù chỉ giới hạn một hoặc hai giờ mỗi tuần, do điều kiện phòng ốc hạn chế, số lượng giáo viên giảng dạy và số lượng các học sinh tham gia học Việt ngữ vẫn còn quá ít. Bên cạnh đó, nhận thấy nhu cầu học tiếng Việt của các em nhỏ là điều không thể thiếu sót, một số giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy trong quá khứ, đã phối hợp với những nhà văn hóa và các thiện nguyện viên khác dồn công sức thu thập tài liệu, viết giáo án, tổ chức những buổi thảo luận hầu tìm ra phương cách giáo dục hữu hiệu cho các em, các cháu theo điều kiện ở hải ngoại.
      Ngoài ra, còn có một số bạn trẻ dùng kiến thức chuyên môn của mình, đã dành một khoảng thời gian không nhỏ để tạo ra những chương trình học tập mới lạ cho các em rất có giá trị, chẳng hạn như gần đây, chương trình Vườn Trẻ với CD “Cùng bé học chữ Việt“ đã có sáng kiến tạo điều kiện cho các phụ huynh dạy các em vừa học vừa chơi lại vừa làm quen với máy điện toán trong lúc học chữ Việt ngay tại nhà. Thêm vào đó, còn có CD dạy trẻ ca hát do nhiều nhạc sĩ danh tiếng sáng tác dành cho thiếu nhi, sách dạy đánh vần v.v... do Giải Khuyến Học Nam Cali thực hiện đã làm phong phú thêm việc bảo tồn văn hóa tại hải ngoại.
      Dồn mọi tâm huyết vào vun trồng khu vườn cho thế hệ mầm non ngay bây giờ là việc làm tất yếu, vì các em là sương mai đầu ngày trước khi nắng lên, là giấy trắng trinh nguyên trước khi được nhuộm thắm bởi muôn màu sắc, là những nhành cây mềm dẽo dễ được uốn nắn để trở thành những đại thụ, tinh hoa của dân tộc Việt sau này...
      Thế hệ của chúng ta và ông cha trước đây đã chịu nhiều đau thương do thời cuộc biến đổi với những chia ly, tang tóc và nhiều nổi bất hạnh. Hãy lật qua trang sử đó và vui trong niềm tự hào mới với những thành quả do con em chúng ta mang lại nơi xứ người. Tuy nhiên điều đó vẫn chưa đủ, con em chúng ta cần phải học để biết tiếng, chữ và cội nguồn văn hóa Việt.
      Xa quê hương, nhưng chúng ta còn lại ngôn ngữ, đó là di sản ngàn đời của mỗi dân tộc. Giòng giống Việt, ngôn ngữ và truyền thống của nguời Việt chúng ta sẽ mãi mãi còn được giữ gìn dù ở bất cứ không gian và thời gian nào…